(Chinhphu.vn) – Cùng với xu hướng siết chặt các chuẩn mực về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, con đường để hàng hóa nói chung, yến sào nói riêng, vào thị trường Trung Quốc một cách bền vững chỉ có thể thông qua kênh chính ngạch – nơi mà các đối thủ yến sào lợi hại của Việt Nam như Malaysia, Campuchia hay Thái Lan cũng đang “chạy nước rút”. Ghi nhận từ Diễn đàn nâng cao chất lượng yến sào Việt Nam mới diễn ra tại TPHCM ngày 26/3.
Nghề nuôi yến: Tiềm năng và thách thức
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), nghề nuôi chim yến thương mại tại Việt Nam đã xuất hiện từ đầu những năm 2000, và phát triển khá mạnh trong 5 năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư bài bản khi cho áp dụng công nghệ cao vào các khâu ấp trứng, nuôi nhân tạo, di đàn, dẫn dụ đàn yến, xây nhà yến, khai thác quy mô lớn…
Hiện cả nước đã có 42/63 tỉnh, thành có nghề nuôi chim yến với tổng cộng khoảng 8.300 nhà yến. Năm 2018, sản lượng tổ yến cả nước đạt gần 64,4 tấn, trong đó TPHCM là nơi có sản lượng cao nhất với 14,4 tấn. Giá trị kinh tế của tổ yến cũng ngày càng được thị trường khẳng định, dao động từ 1.500 đến 2.000 USD/kg. Sản phẩm tổ yến chủ yếu được xuất khẩu với doanh thu hằng năm từ 100-125 triệu USD.
Tuy tổ yến có giá trị kinh tế cao nhưng thời gian qua nghề nuôi chim yến vẫn nặng tính tự phát, chưa được xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng, đầu tư chế biến sâu còn hạn chế. Ngành nuôi yến cũng chưa có mặt trong Chiến lược Phát triển Chăn nuôi đến năm 2020. Thế nên, sản phẩm tổ yến Việt Nam chủ yếu là xuất thô, thị trường thiếu ổn định và dễ bị ép giá.
Người nuôi yến thì thiếu thốn các nghiên cứu đầy đủ về khí hậu, thời tiết, vùng sinh thái cũng như tập tính sống của chim yến nhà dẫn đến tình trạng không dẫn dụ được yến về làm tổ, yến chết vì lạ thổ nhưỡng hoặc thiếu thức ăn phù hợp…
Trong khi đó, bên cạnh một số nơi đã “mạnh dạn” quy hoạch vùng nuôi chim yến như TPHCM, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Tiền Giang, nhiều địa phương khác vẫn đang trong thế “ngập ngừng” trong quản lý nghề yến. Do đó, công tác kiểm soát an toàn dịch bệnh, an toàn cho cư dân vùng nuôi đang là bài toán đau đầu với nhiều chính quyền địa phương khi không ít cơ sở nuôi yến nằm chen lẫn trong khu dân cư hay được xây dựng ngay trên nhà ở…
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT): “Đúng là đang có sự chồng chéo về pháp lý đối với hoạt động nuôi chim yến. Cho dù hiện đang được ‘quản’ theo Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT nhưng chim yến cũng là động vật hoang dã nên còn chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản do nhiều cơ quan chức năng khác nhau đảm trách”.
Ví dụ, nếu cho rằng yến là loài “động vật nguy cấp cần được ưu tiên bảo vệ” thì sẽ do Nghị định 160/2013/NĐ-CP tại Luật Đa dạng sinh học do ngành tài nguyên và môi trường quản lý. Nhưng nếu xem dẫn dụ yến là “nuôi động vật nguy cấp, quý hiếm” thì yến sẽ được quản lý theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Và khi nghĩ nuôi yến là “nuôi sinh sản, sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo động vật” thì loài chim này còn là đối tượng điều chỉnh của Nghị định 82/2006/NĐ-CP; hoặc khi xem hoạt động nuôi yến là “nuôi động vật rừng thông thường” thì nghề yến phải “tham chiếu” các nội dung tại Nghị định 66/2016/NĐ-CP…
Xuất khẩu chính ngạch: Cửa ngõ bền vững
Hiện tại Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của tổ yến Việt Nam. Thị trường tỷ dân này cũng đồng thời đang tiêu thụ tới 80% sản lượng tổ yến trên toàn cầu. Tuy nhiên, hầu hết yến sào nhập khẩu vào Trung Quốc đều thông qua những kênh không chính thức. Trong khi đó, cùng với xu hướng siết chặt các chuẩn mực về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, con đường để hàng hóa nói chung, yến sào nói riêng, có thể đường đường chính chính đi vào thị trường này một cách bền vững chỉ có thể thông qua kênh chính ngạch – nơi mà các đối thủ yến sào lợi hại của Việt Nam như Malaysia, Campuchia hay Thái Lan cũng đang “chạy nước rút”.
Tham tán Thương mại Trung Quốc tại Việt Nam thì khẳng định có cơ hội lớn để thúc đẩy thương mại hóa mạnh hơn đối với mặt hàng tổ yến nhờ mức sống của người dân Trung Quốc ngày càng cao. Yêu cầu đối với chất lượng và sức cạnh tranh thương hiệu của sản phẩm chế biến cũng lớn hơn. Ngoài ra, để phát triển quan hệ thương mại song phương, hiện các doanh nghiệp tại Trung Quốc được khuyến khích liên kết, đầu tư tại Việt Nam, cùng doanh nghiệp Việt đưa hàng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Ông Lạc Nghĩa Ninh, Chủ tịch Công ty Đông Nam Yến Đô (Hạ Môn, Trung Quốc) cũng mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt để hoạt động xuất khẩu tổ yến chính ngạch vào Trung Quốc sớm thành hiện thực. “Chỉ có chính thức hợp tác mới mang lại lợi ích thương mại tốt nhất cho ngành kinh doanh yến sào giữa Việt Nam và Trung Quốc”, người đứng đầu của tổ hợp kinh tế được kỳ vọng sẽ là nền tảng của chuỗi giá trị ngành yến lớn nhất thế giới nói thêm.
Trước cơ hội lớn đang “gõ cửa”, nhiều nhà quản lý đã nhanh chóng kiến nghị ngành nông nghiệp cần sớm cùng các cơ quan chức năng liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường… hoàn tất các văn bản liên tịch về cấp phép xây dựng nhà yến, hướng dẫn kết cấu nhà nuôi yến, quản lý môi trường với các nhà nuôi yến… “Bộ NN&PTNT cũng cần sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nuôi yến gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm để hướng tới tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu Phan Thị Thu Oanh đề đạt.
“Hoàn chỉnh hành lang pháp lý là bước đi rất cần thiết để yến sào Việt Nam đường hoàng tiến vào thị trường Trung Quốc. Sau đó là vươn tới những thị trường khác xa hơn”, ông Trần Phương Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam nhận định thêm.
Tại TPHCM, bầu không khí thương mại đã khẩn trương thấy rõ khi cùng với sự ra đời của các hội nghề nghiệp ngành yến, những nền tảng đầu tiên cho tiêu chuẩn và thương hiệu của yến Việt cũng đã được quan tâm đầu tư và tuân thủ. Theo Phó Trưởng ban Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM Huỳnh Thị Kim Cúc, các cơ sở nuôi trồng, chế biến, kinh doanh yến sào trên địa bàn đều đã có đăng ký tuân thủ điều kiện về an toàn thực phẩm, các DN nuôi yến đều có công bố chất lượng…
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, hiện Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 8 của nền kinh tế này và là đối tác lớn nhất tại Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc (tăng 27%) cũng đang lớn hơn tốc độ tăng trưởng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam (tăng 17,2%). Hoạt động thương mại nông sản tại Trung Quốc hiện rất sôi động do nhu cầu tiêu thụ ngày càng đa dạng, đặc biệt là nhu cầu của lớp cư dân tại các đô thị lớn, có mức sống cao.
Riêng năm 2018, Trung Quốc đã nhập siêu nông sản tới 57,4 tỷ USD (tăng 14% so với năm 2017). Rõ ràng đây là những tiền đề rất thuận lợi để yến sào Việt Nam có thể chiếm lĩnh vị thế xứng tầm tại thị trường tỷ dân.
Nguồn: Phương Hiền