Việt Nam xuất khẩu hơn 100 triệu USD tổ yến mỗi năm

Xác định nghề nuôi chim yến cho thu nhập cao, các nhà khoa học đề nghị cần bảo vệ nguồn gene loài này để phát triển thành sản phẩm quốc gia.

Ngày 11/5, gần 50 người nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học công nghệ tham gia Hội thảo Phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa).

PGS.TS Phạm Công Hoạt – Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành nghề Kinh tế – Kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, chim yến ở Khánh Hòa được đánh giá là loại quý hiếm nên cần có những nghiên cứu sâu hơn, nhằm bảo vệ nguồn gene chất lượng cao để ngành nghề này phát triển bền vững.

Ngoài ra, sản phẩm yến sào đã được ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao sản lượng, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, do đó nguồn gene quý hiếm cần bảo tồn. “Sản phẩm này đã đủ điều kiện để trình Thủ tướng công nhận là sản phẩm quốc gia”, ông Hoạt nhấn mạnh.

11a

PGS.TS Phạm Công Hoạt đề nghị cần bảo tồn nguồn gen chim yến. Ảnh: Xuân Ngọc.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Văn Trọng (Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp) nhìn nhận, trong 5 năm trở lại đây, nghề nuôi chim yến phát triển mạnh trên 42 tỉnh thành, từ Hải Phòng đến Cà Mau; trong đó, tập trung nhiều nhất tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Theo ước tính, năm 2018 sản lượng tổ yến (yến sào) của Việt Nam khoảng 68 tấn, đã xuất sang Mỹ, Australia, New Zeland, Trung Quốc…, với giá trung bình 1.500 – 2.000 USD một kg tổ yến thành phẩm, thu về 100 đến 125 triệu USD mỗi năm.

Theo tiến sĩ Trọng, nghề nuôi yến vẫn còn tồn tại những hạn chế, khi đang phát triển mang tính tự phát, chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng và thương hiệu cho sản phẩm, nên chỉ dừng lại ở mức sản xuất thô.

Ngoài ra, một số nơi nuôi ồ ạt khi chưa hiểu kỹ về tập tính của loài này, nghiên cứu khí hậu, thời tiết vùng sinh thái nên xây nhà yến xong, chim không làm tổ; hoặc những vùng có khí hậu mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp làm chim chết gây thiệt hại về sản lượng loài. “Chúng ta cần phải nghiên cứu, tính toán quy hoạch các khu bảo tồn thiên nhiên cho loài chim yến phát triển”, Tiến sĩ Tạo nhấn mạnh.

11b

Ông Lê Hữu Hoàng, Chủ tịch HĐTV Công ty Yến Sào Khánh Hòa kỳ vọng vào sự phát triển nghề nuôi yến. Ảnh: Xuân Ngọc

Còn ông Lê Hữu Hoàng, Chủ tịch HĐTV Công ty Yến Sào Khánh Hòa nói rằng, tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến ở nước ta rất lớn vì có lợi thế về tự nhiên, khả năng khai thác tốt nhất sản phẩm này để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Số liệu thống kê, trong năm 2018, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có hơn 3.400 ngôi nhà yến, tập trung nhiều nhất ở Khánh Hòa Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Riêng ở Khánh Hòa, loài chim yến sống chủ yếu ở các biển, đảo với gần 200 hang yến. Hiện, công ty đã áp dụng thành công kỹ thuật ấp nở nhân tạo với kết quả trên 90% và nuôi con trưởng thành đạt trên 95%. Đặc biệt, kỹ thuật di đàn chim cũng được áp dụng đối với những chim đã biết bay thành thạo, mật độ di chuyển đến nơi khác dao động 25 – 30 con mỗi thùng.

“Đến năm 2030, sản lượng yến sào xuất khẩu sẽ đạt 100 tấn thành phẩm mang lại giá trị kim ngạch đạt 200 triệu USD mỗi năm”, Thạc sĩ Hoàng kỳ vọng.

11c

Chim yến được nuôi trên đảo ở Khánh Hòa. Ảnh: Nguyễn Lúc.

Nguồn: Xuân Ngọc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0395 272727